Giỏ hàng
Ô nhiễm nguồn nước mặt - Tương lai con người bị đe dọa!

Tin tứcNgày: 27-08-2020 bởi: Mã Thị Vân

Ô nhiễm nguồn nước mặt - Tương lai con người bị đe dọa!

Ô nhiễm nước mặt có đáng sợ ?

Chúng ta có thể thấy nước là một phần thiết yếu của cuộc sống, nó phục vụ cho quá trình sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng và sinh hoạt của con người. Vậy mọi người có đang thấy thực trạng hiện nay của nguồn nước không? Nguồn nước đang bị đe dọa bởi sự ô nhiễm nghiêm trọng từ rất nhiều nguyên nhân. Đặc biệt là nguồn nước mặt.

1. Khái niệm

Nguồn nước mặt (Gọi khác là nước bề mặt) được hiểu là nguồn nước có trên bề mặt Trái Đất như ao, hồ, sông, suối, nước ngập đất hay nước đại dương. Đây cũng có thể được gọi là nước xanh. 

nguồn nước mặt

Phần lớn nước này được tạo ra bởi lượng mưa và nước chảy từ các khu vực lân cận. Khi khí hậu ấm lên vào mùa xuân, tuyết tan chảy về các con sông và suối gần đó, góp phần tạo ra một phần lớn nước mặt. Mức nước mặt giảm đi do bay hơi, khi nước di chuyển vào lòng đất trở thành nước ngầm.

2. Thực trạng, nguyên nhân

Với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa khá nhanh cùng với sự gia tăng dân số là nguyên nhân chính gây áp lực ngày càng lớn đối với tài nguyên nước. Hiện nay, môi trường nước ở nhiều đô thị, khu công nghiệp ngày càng ô nhiễm. Điển hình là các con sông, hồ ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thống kê, phần lớn từ lượng nước thải sinh hoạt (Khoảng 600.000m3 mỗi ngày, với 250 tấn rác được thải ra các sông ở khu vực Hà Nội) và công nghiệp (Khoảng 260.000 m3 và chỉ có 10% được xử lý) đều không qua xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ. Sau đó chúng sẽ chảy ra các con sông lớn như sông Hồng và sông Mê Kông. 

nguồn nước thải sinh hoạt gây ô nhiễm

Lượng nước thải sinh hoạt chiếm trên 30% tổng lượng thải trực tiếp ra các sông hồ hay kênh rạch dẫn ra sông. Theo số liệu thống kê của cơ quan môi trường cho thấy Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng là 2 vùng tập trung nhiều lượng nước thải nhất cả nước. Vùng Đông Nam Bộ tập trung nhiều vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhiều khu công nghiệp lớn, nhưng số lượng khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải chỉ ở mức trung bình (50-60%), hơn nữa 50% trong số đó chưa hoạt động hiệu quả.

nước thải trong công nghiệp

Các ngành công nghiệp dệt may, công nghiệp giấy, nước thải thường có độ pH trung bình từ 9-11, chỉ số nhu cầu oxy sinh hóa, nhu cầu oxy hóa học có thể lên đến 700mg/l và 2.500mg/l, hàm lượng chất rắn lơ lửng… cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép. Hàm lượng nước thải của các ngành này chứa xyanua (CN-) vượt đến 84 lần, H2S vượt 4,2 lần, NH3 vượt 84 lần tiêu chuẩn cho phép nên đã gây ô nhiễm nặng nề cho nguồn nước mặt trong vùng dân cư.Bên cạnh công nghiệp, còn có nước thải nông nghiệp nổi bật là ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Nước thải từ hoạt động nông nghiệp có chứa hóa chất bảo vệ thực vật hay thuốc trừ sâu là thành phần độc hại cho môi trường và sức khỏe con người. Người dân vẫn còn nuôi trồng thủy sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân theo quy trình kỹ thuật nên đã gây tiêu cực tới môi trường nước. Cùng với việc sử dụng nhiều và không đúng cách các loại hóa chất trong nuôi trồng, thức ăn thừa hay chất thải lắng xuống ao hồ làm phát triển một số loại sinh vật gây bệnh, tảo độc, nấm,... thậm chí đã có dấu hiệu xuất hiện thủy triều đỏ ở một số vùng ven biển nước ta.

nước bị ô nhiễm do thiên tai

Ngoài ra, địa hình địa lý nước ta cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc ô nhiễm nguồn nước mặt. Ở các tỉnh miền Trung, địa hình trũng hay gặp thiên tai như bão, lũ lụt và hạn hán. Điều này, dẫn đến nhiều vấn đề và tác hại về sau, thiệt hại về của cải, cơ sở vật chất, con người và nguồn nước. Còn dẫn đến cả nguồn bệnh lây nhiễm qua đường nước. Theo bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết có gần 80% bệnh tật ở Việt Nam do nguồn nước gây lên. Có các bệnh như: bệnh tả, thương hàn, sốt xuất huyết,… mỗi năm trên cả nước.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước như sự gia tăng dân số, mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ sở hạ tầng kém, lạc hậu; nhận thức của người dân về môi trường chưa cao...Đáng chú ý là sự bất cập trong quản lý, bảo vệ môi trường. Các quy định về quản lý và bảo vệ môi trường còn thiếu chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ. Chưa có chiến lược, quy định khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo lưu vực và các vùng lãnh thổ. 

3. Hậu quả

Nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng như thế nào trên cả nước?

Sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng sau khi tiếp nhận nước từ sông Tô Lịch. Lưu vực sông Mã riêng thông số độ đục rất cao, do lượng phù sa lớn và hiện tượng xói mòn từ thượng nguồn. 

Miền Trung và Tây Nguyên có một số khu vực chất lượng nước giảm do việc đổi dòng phục vụ các công trình thủy lợi (Hiện tượng ô nhiễm trên sông Ba vào mùa khô). Nguồn ô nhiễm nước mặt chủ yếu do nước thải công nghiệp và sinh hoạt. Khu vực thượng lưu sông Đồng Nai chất lượng nước tương đối tốt nhưng khu vực hạ lưu (Đoạn qua TP. Biên Hòa) đã bị ô nhiễm. 

Hệ thống sông Cửu Long đang bị ô nhiễm do nước thải nông nghiệp lớn nhất cả nước (70% lượng phân bón được cây và đất hấp thụ, 30% đi vào môi trường nước). Vì vậy chất lượng sông Tiền và sông Hậu đã có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ. Sông Vàm Cỏ bị ô nhiễm bởi những yếu tố: hoạt động sản xuất từ nhà máy, khu dân cư tập trung,...

Qua thực trạng cũng như nguyên nhân dẫn đến sự ô nhiễm tài nguyên nước mặt, ta cũng phần nào thấy được tác hại của nó đối với sức khỏe và cuộc sống của chúng ta. 

Với sự gia tăng không kiểm soát, ô nhiễm nước có thể làm tăng nguy cơ ung thư, sảy thai, dị tật bẩm sinh, bệnh về da,...Tại một số địa phương của nước ta, khi nghiên cứu về các trường hợp ung thư, viêm nhiễm ở phụ nữ, thì thầy có khoảng 40-50% là từ việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Rồi các mắc các bệnh về da, nấm, mụn, mẩn ngứa, rụng tóc, dị ứng,... 

Trong các ngành sản xuất, hay chăn nuôi, trồng trọt khi đưa nguồn nước không đảm vào sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm và sẽ gián tiếp gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Và cơ sở sản xuất, chăn nuôi đó cũng sẽ bị ảnh hưởng về tài chính lẫn sự uy tín của thương hiệu. 

4. Biện pháp

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt đang đáng báo động, nhưng để khắc phục tình trạng đó hiện nay còn gặp nhiều khó khăn về tài chính, lẫn cách giải quyết. 

Trước tiên, người dân cần ý thức về việc bảo vệ môi trường nói chung cũng như môi trường nước nói riêng. Vứt rác đúng nơi quy định, có thể thì nên phân tách các loại rác thải, như đồ nhựa, đồ ăn hay túi ni lông,.... Hạn chế hết mức có thể việc sử dụng túi ni lông, vì độ phân hủy của nó phải mất hàng nghìn năm. Thay vào đó, dùng túi vải hay thùng cát tông để có thể tái sử dụng và dễ phân hủy. Môi trường sinh thái dưới sông, ao hồ hay biển cũng cần được bảo vệ. Nguồn nước bị ô nhiễm sẽ phá hủy môi trường sống của các động vật và sinh vật dưới nước.

Tiếp theo, các nhà máy, xí nghiệp cần có hệ thống xử lý chất thải trước khi đưa ra ngoài nhằm hạn chế hết mức có thể việc ô nhiễm môi trường cũng như nguồn nước mặt. Cần khai báo các nguồn nước thải, rác thải,...cũng như nơi tiếp nhận, để dễ dàng nắm bắt cũng như xử lý kịp thời. 

Tóm lại, ô nhiễm nước mặt sẽ dẫn đến sự khan hiếm và thiếu hụt nguồn nước, đó là mối đe dọa rất nghiêm trọng đến sự tồn tại của con người trong tương lai. Vì lẽ đó, tất cả mọi người cần thực hiện nghiêm chỉnh Luật Tài nguyên nước và đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường. Cùng nhau xây dựng cuộc sống xanh sạch đẹp. 

Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!


Hệ thống đại lý & show room của SWD

SWD - HÀ NỘI (Trụ sở)

SWD - SHOWROOM

SWD - ĐẠI LÝ HÀ NỘI

SWD - ĐẠI LÝ HÀ NỘI

SWD - ĐẠI LÝ HẢI PHÒNG

SWD - ĐẠI LÝ TP HỒ CHÍ MINH

SWD - ĐẠI LÝ THÁI NGUYÊN

SWD - ĐẠI LÝ QUẢNG NINH

0393208008